Anh Ngô Thanh Xuân - Phó phòng nông nghiệp huyện Cầu Kè, Trà Vinh - cho biết dân địa phương hay gọi giống dừa này là dừa sáp (dừa đặc ruột). Theo anh, toàn huyện Cầu Kè - nơi có dừa sáp nhiều nhất của tỉnh Trà Vinh - cũng chỉ có trên dưới 1.000 cây đang có trái, chủ yếu tập trung ở ba ấp Chông Nô 1, Chông Nô 2 và Chông Nô 3 thuộc xã Hòa Tân. Theo các nhà khoa học, dừa đặc ruột là giống dừa đặc biệt do phần cơm trong trái không tách biệt hẳn mà kết hợp với nước dừa thành một dạng cơm dừa mềm, sệt như keo, có mùi vị đặc trưng. Giá dừa sáp có thể lên tới 40.000 - 50.000 đồng/quả.
Tuy nhiên, khi mua dừa sáp cũng nên hết sức thận trọng, bởi ngay trên một quày dừa sáp cũng chỉ có 20-25% số trái là đặc ruột, số còn lại bình thường. Ông Nguyễn Văn Tính - người ấp Chông Nô 1, xã Hòa Tân, Cầu Kè - giải thích do dừa là loài thực vật thụ phấn chéo, trong khi tỷ lệ cây dừa sáp trong các vườn dừa hiện nay rất ít khiến cho trái sáp thấp.
Ngoài ra, do đặc điểm sinh lý những trái dừa đặc ruột không thể nảy mầm một cách tự nhiên, nên để nhân giống nông dân thường dùng các trái bình thường của cây dừa đặc ruột để ươm ra cây con và trồng. Đương nhiên, những cây con này sau đó sẽ cho tỷ lệ trái đặc ruột/quày giống như cây bố mẹ, chỉ đạt khoảng 20 - 25%.